Kỷ Niệm Học Trò

 

Nguyễn Phùng Duyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1965-2005 ... Thắm thoát mà thằng bé Méo đã rời xa ghế trường trung học 40 năm tròn. Nhanh thực!

 

Những email hàng ngày trao đổi cùng nhóm bạn thời trung học đã khơi lại biết bao là kỷ niệm êm đềm của tuổi vàng, tuổi ngọc. Người bạn “thâm niên” nhất của Méo là chàng thi sĩ Vương Hải Ðà. Hai đứa cùng nhau học lớp tư trường Thánh Giuse, cùng được thầy Nên yêu thương cưng chìu vì là học trò giỏi và ngoan của thầy.

Thuở ấy, ngôi trường bé nhỏ trong khuôn viên nhà thờ là nơi hai đứa tung tăng vui đùa.

Lên lớp ba, hai đứa xa nhau, Méo vô trường Nam tiểu học, lúc ấy còn đang phải “ké” với trường nữ. Ở đây, Méo có thêm những bạn mới mà sau này cùng vào trung học Phan Chu Trinh với nhau. Nào là L.M.Trùy, N.Ð.Thống, T.N.Toàn, L.Hân, P.V.Thương, T.K.Quý, V.Ð.Khôi, N.K.Can v.v..

 

Thời ấy, Ð.V.Thành và N.T.Phụng thuộc lớp đàn anh học trên Méo, nhưng rồi vì chậm chân nên để đàn em rượt kịp. N.T.Phụng cũng học trường Thánh Giuse với Méo, Méo ở lớp tư, Phụng học lớp ba. Ðúng ra thì Phụng từ lớp nhất ở trường làng Quảng Ngãi chuyển ra lớp nhất trường Thánh Giuse. Thuở ấy, tiểu học cũng phải học bập bẹ Pháp văn, Phụng vô lớp nhất đọc “le maitre” thành “le mái tre” nên được cho “lên” lớp nhì ngay. Ở lớp nhì cũng không qua được ải đọc Pháp văn nên chỉ trong vòng một tuần lễ Phụng phải “lên” một lúc hai lớp. Vì cay cú với nỗi buồn Pháp văn nên sau khi xong lớp nhất trường Nam và sau khi học riêng Pháp văn với thầy Ðạm, Phụng xin vô trường Pascal, năm sau mới về thi vô Phan Chu Trinh. Vì thế, mặc dù học trên Méo nhưng hai đứa cùng vô Phan Chu Trinh một lúc. Và với khả năng phát âm Pháp văn khá chuẩn, với làn da không được trắng trẻo, Phụng đã được bạn bè tặng cho danh hiệu “La Maison Noire”. Riêng thầy Lý Châu thì còn ưu ái cho Phụng một cái tên đặc biệt: “Monsieur Le Retardataire” vì tài nghệ đi trễ hàng ngày của Phụng.

 

V.Ð.Khôi là một tay quái kiệt, mới học lớp nhất tiểu học mà đã tỏ ra biết rất nhiều về chuyện nam nữ, L.M.Trùy và Méo là hai thằng nhóc luôn mở tròn mắt thán phục những “khám phá mới lạ” của Khôi khi cậu ba hoa về những điều mà trẻ thời ấy chưa đứa nào dám biết. Vào Phan Chu Trinh, Khôi chỉ học cùng Méo một năm rồi phải nghỉ học vì bị đau phổi. Không biết có phải chàng bị tẩu hỏa nhập ma vì biết chuyện những nàng ma nữ quá sớm chăng?

 

L.M.Trùy và Méo ngồi kế nhau ở bàn đầu, hai đứa cùng được cô Thảo và cùng được mẹ của Trùy cưng chìu. Cô Thảo thương cả lớp nên cuối năm lớp nhì cô xin ông hiệu trưởng cho cô được theo lớp, và tụi Méo đã được cô thương yêu dẫn dắt cả hai năm lớp nhì và lớp nhất. Cô cưng Méo đến độ mặc dầu đã được ba Méo dặn dò là đừng cho Méo chơi đá banh vì lúc bé Méo nhảy tường bị gãy xương hông một lần rồi mà đến ngày Méo được phần thưởng cuối năm, Méo nằng nặc đòi cô mua cho trái banh, vẫn chìu Méo đi mua banh. Sau ngày phát phần thưởng, dĩ nhiên là cô bị ba Méo than phiền cho một chặp. Già đầu rồi mới biết mình nhỏng nhẽo vô lý làm bận lòng cô. Thiệt thương cô quá đỗi.

 

Còn mẹ Trùy thì hay nhón cho hai đứa những quà vặt. Những ngày trời chuyển mưa bất ngờ, mẹ sai chị người làm mang áo mưa ra tận trường cho hai cậu, sướng thì thôi.

Nhà Trùy có một tiệm bán hàng ở góc đường Ðồng Khánh và Nguyễn Tri Phương, ở đấy bố mẹ Trùy còn vá áo mưa nữa. Một lần Méo đưa áo mưa đến cho bác, đường rách dài thoòng, bác cặm cụi ngồi dán lại cho cháu rồi xoa đầu và không lấy tiền. Hôm đó tiền mẹ đưa đi vá áo mưa được Méo trưng dụng vào chi thu cá nhân linh tinh, lòng thầm ước phải chi áo mưa cứ rách hoài thì chắc Méo sẽ rũng rĩnh xu hào tha hồ kẹo kéo, cóc, ổi cho đã đời.

Một ngày kia, Trùy kéo Méo lại gần thầm thì kể chuyện bí mật đời chàng, thì ra tên cúng cơm của chàng là L.P.Ð, phù hợp với tên bố là L.P.T , còn L.M.T chỉ là tên trên giấy tờ đi học.

 

Trùy có mấy đứa em kháu khỉnh, đứa nào cũng ngoan. Ngày bố Trùy tạ thế, thấy các em xúm xít mắt đỏ hoe dụi vào nhau e dè nhìn các anh chị theo thầy Vĩnh Vinh đến phân ưu mà Méo muốn bật khóc. Thương Trùy, thương mẹ Trùy và các em Trùy quá đi thôi.

 

Lên trung học không còn được ngồi chung với nhau trong một lớp nữa, có đứa chung ban pháp văn nhưng khác lớp, có đứa chọn ban anh văn, nhưng tình bạn bè vẫn khắng khít như xưa. Ngoài những bạn cũ như Hân, Trùy, Thống v.v.. Méo có thêm nhiều bạn mới, cả những bạn khác phái nữa.

 

Năm Ðệ Thất, vì số nữ sinh bị lẻ ra hai người nên hai người đó phải qua ngồi chung với nam sinh. Thầy cô cho hai bạn nữ qua ngồi chung với “các em bé bàn đầu”, thứ nhất là dễ tin tưởng các bé này hơn các cụ các dãy bàn cuối, thứ nhì là ngồi gần thầy cô dễ kiểm soát hơn. Thếá là N.T.M. Phượng và T.N.C. Lan phải khăn gói quả mướp sang ăn nhờ ở đậu bên đám nam sinh. Ngồi đầu bàn đầu kể vô là M. Phượng, C. Lan rồi tới Duyên, Hòa, Trùy.

 

M. Phượng người thấp nhỏ, dáng đi như con chim sẻ và có nụ cười tươi như hoa, khoe hết hàm răng. Còn C. Lan thì nghịch quá đổi, con gái gì mà phá còn bạo hơn con trai. Tuy nhiên, sau mỗi lần phá phách xong, C. Lan thường nhoẻn nụ cười giữa hai má lúm đồng tiền dễ thương nên được tha dễ dàng.

 

Cô của C. Lan là bạn đồng nghiệp với ba Méo, thường qua lại thăm hỏi, nên hai đứa dễ dàng thân nhau, Những ngày mưa dầm, chỉ có Méo, C. Lan và H.H.Thi là mang botte đi học. C. Lan thường khoe là có botte tốt bằng cao su đúc, không phải thứ hàng cao su dán như của Méo và Thi. Thế là có màn cởi botte đọ nhau, cãi cọ chí chóe. Ôi, sao mà dễ thương quá thể. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, giá mà C.Lan tiếp tục ở lại PCT đến đệ nhị cấp, không biết cô nàng có còn dám cởi giày đọ với Méo không nhỉ?

 

Cũng như  V.Ð.Khôi, C. Lan chỉ ở với PCT có một năm đệ thất rồi tung cánh chim biền biệt. Năm 1985 tình cờ Méo liên lạc lại được với C.Lan, nhưng rồi vô ý làm thất lạc số điện thoại, cho đến ngày thấy C.Lan xuất hiện lại trong buổi họp mặt bạn bè ở Nam Cali. Khuôn mặt tuy có hằn vết thời gian, nhưng hai má lúm đồng tiền vẫn duyên dáng như xưa.

 

Ðám nhóc con ngồi bàn đầu như Méo, Thịnh, Trùy ... ít khi dám mon men xuống mấy dãy bàn cuối lớp, vì thế nào cũng bị đuổi đi, kèm theo với lời nhắn: “Con nít con nôi đừng la cà ở đây mà hư đó em nhỏ à!” Quê thì thôi! Cùng học chung một lớp mà cứ bị coi như hàng hậu bối, phải kính nhi viễn chi với các bậc trưởng thượng.

 

Hồi đó Méo mê nhìn N. Ðề chơi xe đạp. Xe chàng chỉ trơ hai bánh, không thắng, không đèn, không vè. Nhìn chàng nghệ sĩ tóc bồng nắm lấy tay lái xe rồi dúi mạnh một cái, xe chạy bon bon theo đà dúi, chàng chạy theo phóng vọt lên xe và cứ thế đạp đi mà không cần nắm tay lái. Méo đứng lé mắt nhìn, rồi về nhà len lén đi tập như Ðề, kết quả là bàn tọa sưng vù, cùi chỏ và đầu gối trầy trụa be bét, và cứ vẫn không bắt chước người nghệ sĩ xe đạp dược.

 

Ðạp xe chán, chàng nghệ sĩ uốn lượn mấy vòng biểu diễn rồi đưa chân rà bánh xe cho ngừng lại. Xe ngừng, chàng để nguyên chân trên bánh xe mà giữ thăng bằng, không cần phải chống chân xuống đất. Và Méo lại ngẩn ngơ lé mắt ước thầm sẽ làm được như thế. Bốn mươi lăm năm trôi qua, mơ ước vẫn chỉ là mơ ước.

 

Có lần Méo mon men xuống phía cuối lớp chọt anh “trưởng lớp muôn năm” Ð.V.Cho một phát: “Anh Cho ơi anh Cho, anh Cho có sắc không?”. Tuy anh Cho không giận và cũng không rượït đuổi nhưng Méo vẫn vắt giò lên cổ chạy bán mạng sau câu chọt ấy vì sợ anh tóm được thì tiêu đời trai.

Anh trưởng-lớp-muôn-năm cũng nghịch đâu kém gì ai. Ðầu năm học, anh lên bảng viết thời khóa biểu cho cả lớp chép lại, nhưng nghịch ngợm chỉ chép môn học và giờ giấc mà không chép tên giáo sư phụ trách. Tới khi bạn bè hỏi, anh trả lời tỉnh : “Ông Châu sử ông Khánh vẽ hán bà Hà”, nghĩa là thầy Châu dạy sử địa, thầy Khánh dạy vẽ và cô Hà dạy Hán văn. Ðúng là nhất quỹ nhì ma.

 

Cuối lớp còn có anh T. Liên, vua diễu của lớp. Mỗi lần T. Liên diễu là cả lớp cười nghiêng ngửa quên thôi. Méo nhớ có lần trong bài học về định luật Ohm, thầy vừa nói xong câu: “Như thế thì điện trở tỉ lệ thuận với chiều dài và tỉ lệ nghịch với thiết diện dây điện” thì bỗng cuối lớp bật lên ba tiếng gọn lỏn: “Nói như thiệt!” làm cả lớp cười nghiêng ngửõa mà thầy thì đỏ mặt tới mang tai.

 

Không biết sao mà T. Liên có đủ danh sách ba mẹ của đám học sinh cùng lớp. Mỗi lúc thầy cô điểm danh, sau mỗi tên học sinh được gọi là T. Liên chen vô một câu: “con ông X” hoặc “con bà Y” v.v... Trong lớp lũ nhóc ngồi bàn đầu lấy tên bố ghép lại thành một câu :”Anh Tài Mới Kế Nghiệp Anh Doãn” rồi cười ha hả. Ai cũng biết là ba của Méo là ông Anh, cho đến một ngày thầy Lý Châu vô dạy sử địa. Thầy Châu vốn là ông dượng của méo, ông lấy bà dì họ của Méo. Ngày đầu tiên vô lớp, nhìn thấy Méo ngồi ở đầu bàn bàn đầu, ổng chỉ tay ngay mặt: “Mi có phải thằng con bà Năm không?”. Cả đám cười ầm, và từ đấy cái tên “con ông Anh” biến mất, nhường cho cái tên “con bà Năm” mới được thầy Châu công bố.

 

T. Liên còn là thủ quân đội bóng rổ của lớp, Méo bắt chước hoài cú lay-up của chàng mà cũng không làm nổi. Khi Méo ôm banh nhảy lên, chân không còn chỗ tựa nên có ráng sức lay-up thì trái banh cũng chỉ lên khỏi vai là rơi xuống, và vì thế càng phục anh thủ quân bóng rổ này quá chừng. Cả đội chỉ có T. Liên và B.V. Ðào là có cú lay-up tuyệt vời làm ngơ ngẩn bao người.

 

Ngày ấy, cả đám nhóc tì đều mê bóng rổ mà trường chỉ có một sân, lúc nào cũng có mặt những danh tài như Trí, như Dân, như Gà, như Minh trịt v.v… tập dượt nên khó mà có sân chơi. Lũ nhóc bèn kéo nhau xuống trường Tây (Blaise Pascal), chui rào vô chơi lén. Một lần bị ông giám thị Manguy bắt được, tịch thu banh. Méo làm gan lên tới phòng ông Manguy trổ tài miệng lưỡi “francais elementaire” để xin banh lại. Ổng không những trả banh lại mà còn khen là học trò trường Việt mà nói tiếng Tây khá, rồi còn biểu hể muốn chơi thì đi qua cổng chính, vào xin phép mà chơi. Nhưng cả bọn vẫn khoái chui hàng rào vì gần hơn phải xuống tận bờ sông mà vào qua cổng chính.

 

Bọn nhóc chơi với nhau thân thương, khắng khít. Cùng đá banh, cùng chơi bóng rổ, cùng kéo nhau đi ăn chè ngã Năm, cùng rủ nhau đi tắm biển, cùng kéo nhau xuống khu hiến binh chỗ L.H. Ðức đánh bóng bàn, cùng ghé quán “em Lan” thụt bi da… .., lúc nào cũng có nhau, dù chơi hay học. Tình thân ấy kéo dài mấy mươi năm vẫn bền vững, vẫn ấm nồng, vẫn trân quý.

 

Nhắc đến chè ngã Năm không thể thiếu chàng T.T. Hựu vói hỗn danh Hựïu Cái Giếng. Hai tháng trước, xin dược số đìện thoại của chàng, Méo bèn gọi hỏi thăm. Khi nghe tiếng Hựu ồ ề “A lô” ở đầu dây bên kia, Méo phang ngay: “Chào ông Hựu Cái Giếng”. Chàng choảng lại liền: “Ê, mi là thèng mô mòa doám kêu tau Cứa Giếng hả?”. Giọng chàng vẫn như xưa, không biến đổi với thời gian. Rồi hai đứa ôn lại kỷ niệm học trò, ôn lại thờøi gian ở tù chung ... Chàng học trò hiền lành, chân chất, thông minh này lúc nào cũng dễ thương, cũng thật thà như ngày mới khăn gói từ Nam Ô lên phố thị làm quen với ánh đèn màu. Và dù bây giờ phải lao động chân tay cực khổ, chàng vẫn thở ra thơ nhẹ nhàng, như thơ vẫn sống trong hồn người thi sĩ.

 

Kỷ niệm về tràn đầy, chan chứa, Méo không biết làm sao xếp thứ tự, thôi thì nhớ đến đâu kể tới đó.

 

Có một dạo Méo đến học chung với hai chị K. Cần, K. Trinh. Thời gian ấy Méo đang làm chim xanh cho chị Cần và một bạn trong lớp. Một buổi Méo đến học quá sớm, dư giờ không biết làm gì bèn lang thang ra vườn tính chỉa vài quả ổi, không ngờ tình cờ thấy chị Cần đang vắt vẻo trên một cây ổi. Tính tinh nghịch nổi lên, Méo dọa ngay: “À há! Bắt gặp chị Cần leo ổi há! Em sẽ kể chuyện này cho anh ... nghe, ha ha.”. Chị Cần hoảng quá, vội vàng xuống và năn nỉ Méo đừng kể cho ảnh nghe, và bắt đầu từ đấy Méo biết thế nào là đe dọa để nhận hối lộ; nào ổi chua, nào cóc dầm, nào kẹo bánh hằm bà lằng, ăn đã đời thì thôi.

 

Với chị Trinh thì Méo không dám đùa như chị Cần, mặc dù chị Trinh là em chị Cần, vì chị Trinh có vẻ nghiêm nghị quá. Học chung thì học chung, học chung ở trường, học chung ở nhà, nhưng Méo chỉ chơi với thằng cu Tí em của hai chị, và em của cả K. Hòa nữa. Thằng bé Méo hay phá phách, nói năng cười đùa ầm ỉ rút cục chỉ là một chú nhóc nhút nhát, hay mắc cỡ.

 

Méo học chung với nhiều anh chị nhưng lại chơi với đám em út các anh chị ấy, như chơi bắn bi đánh đáo với Bắc, em chị Huế, hay chơi với cu Tí, em Ð.V. Thành, chơi với cu Tí em hai chị Cần, Trinh v.v...

 

Có lẽ vì bé nên Méo thường được các chị nuông chìu. Có một lần cả lớp phải ra sân vận động Chi Lăng dự meeting, các chị xin thầy cho Méo ở nhà vì Méo nhỏ quá sợ không chịu nắng nổi, với lại mỗi lớp cần có một học sinh giữ lớp. Trước khi ra đi, các chị xúm lại dặn dò Méo là đừng để các anh Ðệ Tam, Ðệ Nhị vô lớp lục lạo cặp sách, chị nào cũng sợ mấy anh nhét thư tình tán tỉnh vào đó. Méo ưởn ngực nhận nhiệm vụ, với lời các chị hứa là lúc về sẽ có kẹo bánh làm quà.

 

Ai ngờ các chị chỉ mới đi được một lúc là Méo bị vào xiếc, các anh lớn mon men xuống làm quen với Méo rồi rủ rê ra hàng rào ăn quà vặt. Méo bùi tai quên hết nhiệm vụ, với lại kẹo kéo, kẹo gừng, kẹo cau, me, ổi ... vẫn hấp dẫn hơn là làm lính canh. Ôi thôi, một phút lỡ lầm! Khi các chị về thì cặp chị nào cũng đầy những là thư với lời lẽ ngọt như mía lùi. Và Méo chỉ còn cách bịt tai, che đầu để khỏi nghe mắng và khỏi bị cốc đầu. Cái tật tham ăn thiệt là tai hại!

 

Méo lại còn ngu ngơ đến độ không biết một chút gì về tâm lý phe kẹp tóc. Có một lần Méo đang về ngang trường Phan Thanh Giản, chị B. Ty đi phía trước. Không biết anh chàng đạp xích lô bị ma men hành hay sao đó mà tự dưng lạc tay lái ủi ngay vào phía sau chị B. Ty làm chị ngã ngồi lên chỗ để chân của xích lô. Thay vì chạy lại giúp đỡ bà chị đứng lên và an ủi chị, Méo lại vỗ tay la lên :” A ha! Chị Ty đi xích lô hạng nhì. Chị Ty đi xích lô hạng nhì.”. Mặt chị Ty đỏ nhừ, chị đứng dậy, thong thả vén mái tóc dài, xong rồi chị thong thả từ tốn tặng Méo một cái cốc đầu, và từ đấy Méo biết cẩn thận miệng lưỡi hơn một chút.

 

Ðến ngày ve sầu kêu ran báo hiệu chia tay, các bạn trao nhau những quyển lưu bút. Méo ngu ngơ khù khờ, viết cho chị T.T.N.Hoa mà viết như vầy: “Chị Hoa ơi, chị giống bà dì út của em quá, giống từ dáng người thon cao, giống đến khuôn mặït, đến cả mái tóc. Em thích chị lắm, như thích dì út của em vậy, chị cho phép em gọi chị là dì nghe.”

Trời ơi, bạn học của mình mà đòi gọi chị ấy là dì. Chẳng trách gì chị Hoa đọc xong có vẻ giận giận. Ngày ấy Méo không biết gì, chỉ tưởng mình như vậy là thiệt thà. Chị Hoa ơi, em xin lỗi chị nghe.

 

Chị Hoa có hai em trai là T.V.Hòa và T.V. Ta, hai người này có nhiều kỷ niệm với gia đình Méo. T.V. Hòa đi Hải quân trước Méo một khóa, anh chàng này tuy là đàn anh của Méo nhưng vẫn đối xử với Méo như một bạn học của chị mình. Ngày chưa vào lính, Méo vẫn thường nghịch ngợm nghêu ngao:

 

“ Chị Hoa là chị thằng Hòa,

Vừa hát vừa khóc vừa la ầm ầm”.

 

Rõ là thằng Méo liến khỉ.

Còn T.V. Ta thì học với em trai Méo. Một ngày kia cu cậu ra nhà Méo chơi, cơm tối xong cậu ham vui xin ở lại luôn. Tối đó cả nhà nghe đài phát thanh Ðà Nẵng, ôm bụng cười nghiêng ngã vì cái tin tìm trẻ lạc: “Em bé T.V. Ta, 18 tuổi, đi lạc ngày ...”, ôi vui quá xá là vui.

 

Còn nhớ một ngày Méo đi học mặc áo không có thêu bảng tên trên túi. Xui xẻo gặp ngay thầy Duận trước cửa lớp, thầy bắt đứng lại nghe thầy xài xể một hồi, rồi thầy thân ái tặng cho một cái xách tai đau điếng. Thằng nhỏ đứng thút thít khóc. Bỗng có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai và một giọng nói dịu hiền bên tai: “Nín đi. Cởi áo ra đưa chị thêu tên cho.” Ngước nhìn lên, thì ra là bà chị Q. Chi dễ thương. Méo cởi ngay áo ra đưa cho chị. Với tài nữ công nhuần nhuyễn, chỉ ít phút sau là Méo có cái bảng tên ngay trên túi áo, và nước mắt cũng ráo luôn. Từ đấy, chị Q. Chi trở thành bà chị mà Méo đặc biệt thương yêu.

 

Méo nhỏ con nhưng khi cần bảo vệ người đẹp thì Méo cũng hùng hổ lắm. Trong lớp, chị Huế bị mấy chàng cà chớn đặt cho cái biệt hiệu khó nghe. Tội nghiệp chị phải chịu những lời chòng ghẹo vô ý thức, một bữa Méo hùng hổ: “Ðứa mô còn kêu chị Huế như rứa coi chừng tau”, rồi chống nạnh lên, trừng mắt, khoe thân thể gầy nhom ốm đói ra. Có lẽ thấy tội nghiệp cho bộ xương cách trí của Méo mà các bạn từ từ bỏ tiếng gọi chòng ghẹo đó đi. May cho chị và cũng may cho cả Méo nữa.

 

Tuy thân thể gầy nhom ốm đói nhưng Méo lại là đứa gan dạ cùng mình. Lúc bé vì thèm những sợi dây thun bện lại thành từng chuỗi dài mà Méo đã dám cá với nhóc cùng xóm ban đêm ra nghĩa địa đặt vòng dây ấy lên đài chiến sĩ trận vong. Sáng sớm hôm sau cả kéo ra nghĩa địa kiểm chứng, và Méo đã sung sướng mà mang vòng dây ấy về làm của riêng. Và cũng nhờ gan dạ mà Méo đã được L.H. Liêm chọn làm vệ sĩ trong những buổi học đêm.

 

Dạo ấy, buổi tối, Méo và Liêm học thêm Pháp văn với ông Ibrahim và thầy Ðạm, hai vị giáo sư của trường Blaise Pascal. Liêm không dám đạp xe một mình trên đường Quang Trung ban đêm, quãng đường dài từ Thuận Thành xuống Gia Long trong bóng đêm vắng lặng đã làm Liêm sợ. Vì thế, chị Thanh của Liêm đã nhờ Méo làm body guard cho Liêm. Mỗi tối, Méo kiên nhẫn đạp xe từ cư xá Thương cảng lên Thuận Thành (Tam Tòa) đưa Liêm đi học. Tan học lại cặm cụi cùng đạp xe với Liêm, đưa Liêm về rồi lủi thủi một mình trở về nhà mìnhø. Thằng bé chăm chỉ đưa bạn đi về hằng đêm suốt hai năm đệ ngũ và đệ tứ, vì thế mà ba má Liêm và chị Thanh thương Méo lắm.

 

Liêm và Hân là hai anh em chú bác, ba Liêm và ba Hân cùng làm ở ty Ngân Khố. Thuở ấy, ty Ngân Khố có bốn ông cụ công chức được gọi là “bốn ông già kho bạc”, đó là ba của Hân, ba của Liêm, ba của Phụng và ba của thầy Tốt. Cả bốn cụ đều lớn tuổi và chuộng cổ, tách biệt hẳn khỏi nhóm công chức trẻ nên mới được liệt vào nhóm “tứ nhân bang” như thế.

 

Thuở bé, Méo vẫn thường có những lúc buồn bả vì Trời sinh ra mình nhỏ con, ốm yếu, không tham gia được những sinh hoạt mạnh bạo. Ngày Thương Cảng Ðà Nẵng rầm rộ khai trương chương trình Nhu đạo, Méo đã tốn bao nhiêu là nước mắt mà ba Méo vẫn nhất định không cho Méo ghi tên đi học, chỉ vì Méo ốm yếu và lúc bé đã bị ngã gãy xương hông. Thằng bé buồn lắm, có lúc giận ba vì ba quá cương quyết. Những lúc mon men xuống phòng thể dục xem T.N. Toàn nhào lộn, song đấu say sưa dưới sự chỉ dẫn của võ sư Takano mà Méo buồn nẫu người, lúc ra về thế nào mắt cũng đỏ hoe.

Nỗi buồn ấy càng tăng thêm khi N.T. Phụng và T.C. An đi học võ ở lò ông Cụng. Nhìn Phụng đi quyền, Méo ráng nhớ rồi đêm đêm lén ra sân tập, không bài bản, không thầy chỉ dẫn nên Méo múa như mèo quào.

 

Cuộc đời có những khúc ngoặt thật bất ngờ. Năm Ðệ Nhất, miền Trung biến động mạnh, bàn thờ xuống đường, học sinh bãi khóa, biểu tình, hoan hô, đả đảo mà không biết mình đang làm gì, không biết mình đang là những con chốt bé tí trong bàn tay ma quái tanh hôi. Học sinh lòng trắng hồn trong, khí huyết phương cương nhưng không chút kinh nghiệm đời, tha hồ cho bọn phù thủy lợi dụng. Méo còn nhớ ngày sinh viên Huế vào PCT hô hào bãi khóa, Méo là một trong những bạn nhất định không chịu bãi khóa vì không muốn phiêu lưu vào những chuyện mình không biết ngô khoai gì cả, hơn nữa lại là năm thi quan trọng chuẩn bị cho những dự tính lên đại học, đi du học v.v...

Ðêm đó, nhờ bạn bè cùng lớp mách bảo trước mà Méo đã đi ngủ lang, tránh được đám sinh viên cuồng tín vác súng đi lùng bắn. Khôi hài mà cũng xúc động ứa nước mắt là bạn bè báo tin cho đi trốn lại là bạn chống đối quyết liệt với ý kiến Méo, nhất định phải bãi khóa. Ôi, tình bạn chân thành lúc nào cũng vượt trên những tầm thường đời trọc.

 

Năm ấy, hội đồng nhân dân cứu quốc ra đời, đằng đằng sát khí. Và rủi thay cho Méo, trong kỳ thi tú tài 2 năm đó, một thằng ham chơi hơn ham học không làm bài được đã lợi dụng tham gia trong cái hội đồng quái đản đó đểõ rút lựu đạn hù dọa giáo sư giám thị để cho hắn chép bài. Giám thị phòng thi nhường nhịn hắn, tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nhưng hội đồng giám khảo không nhường nhịn, và kết quả là cả phòng bị đánh rớt. Ðau đớn oan uổng là L. Hân cùng Méo bỗng dưng bị vạ lây, cùng bị đánh rớt trong khi biết chắc rằng mình sẽ đậu cao.

Méo cảm thấy như trời sụp, dự tính xin đi du học phút chốc bỗng tan tành. Vừa giận vừa hận đứa học trò mất dạy kia, vừa buồn cho mình hẩm hiu. Méo bỏ đi Ðà Lạt, lang thang cô đơn trên rừng núi Lâm Viên gặm nhắm nỗi đau buồn khó nguôi. Kỳ nhì năm đó Méo không muốn về nhưng cuối cùng đành phải lếch thếch trở về thi theo lịnh của ba Méo. Và kết quả của sự xuống tinh thần, của phiền não khôn nguôi là Méo đậu hạng thứ. Thằng bé có ý định bỏ học từ đó, và sau một thời gian lê thê lếch thếch, đã đâm đầu vào lính như trốn chạy thực tế phủ phàng.

 

L. Hân điềm đạm hơn, khôn ngoan hơn, không suy sụp tinh thần nhưng bình tĩnh bỏ qua kỳ nhì vì biết mình đang bị qua cơn khủng hoảng. Năm sau Hân vô Chu Văn An và đâụ cao, đi du học như đã dự tính.

 

Thế đấy, cuộc đời mình đôi khi qua một khúc quẹo đổi đời mà mình không ngờ trước. Suốt thời học trò hoa mộng, Méo đâu có ngờ rằng tụ dưng có một thằng học trò mất dạy sẽ đẩy mình ngã lăn xuống hố đau thương.

 

Cũng năm biến động ấy, một bạn khác là N.T.Thiện đã bị bắn phơi thây trên vòng rào kẽm gai phòng thủ của những người dân đánh cá hiền lành. Thiện cũng là một nạn nhân cho mưu đồ đen tối của đám phù thủy gian manh. Nhìn xác Thiện vắt vẻo trên rào kẽm gai mà lòng Méo tan nát, Thiện nào có lỗi gì, có chăng là sự ngây thơ khờ dại và cuồng nhiệt của tuổi trẻ mới lớn mà thôi.

 

Cường độ chiến cuộc tăng dần, bạn bè cùng lớp dần dần vào quân đội. L.T.Hưng cũng vào Hải quân với Méo nhưng đi trước 2 khóa.

 

V.V. Bang cùng khóa với Méo. Ông Bang chả giò, ông Bang bặp, người bạn da ngăm đen tóc bồng bềnh hiền lành dễ mến đã ra đi về bên kia thế giới tận ngoài quần đảo Hoàng Sa đúng ngay ngày Méo cưới vợ.

 

N.N.Châu vào Hải quân sau Méo một khóa, và Méo đã phải tốn bao nhiêu chầu phở sáng cho một thằng đồng khóa “dã man” để nó chịu đổi cho N.N.Châu làm con của Méo. Theo truyền thống Hải quân, mỗi đàn anh sẽ bốc thăm nhận một đàn em làm con và sẽ theo dõi, nâng dỡ “con” trong mọi việc, nhất là hải nghiệp. Thằng kia bốc thăm nhằm N.N.Châu và Méo đã phải lo toan hối lộ để bắt được Châu về, chính cái tình bạn PCT đã xúi Méo làm điều ấy.

 

Ngày còn trong quân trường, Méo nhận một lá thư từ P.V.Thịnh ở Nhật gửi về. Chàng ròm này có trí nhớ kỳ tuyệt và tình cảm chứa chan, sâu đậm, nồng nàn.thư dày 17 tờ giấy lớn, đầy những dòng chữ nhỏ tí, chi chít, đong đầy kỷ niệm. Thịnh kể lại những kỷ niệm xưa thời hai đứa còn là hai anh nhóc bé tí, những buổi đi chơi với nhau. Ðoạn làm Méo cảm động nhất là lúc Thịnh kể lại buổi tối ra nhà Méo ngủ, nửa đêm thức dậy uống nước thấy ba Méo ngồi chong đèn tính toán sổ sách chi thu gia đình. Hình ảnh ông cụ một mình vò võ canh khuya bên đèn với nỗi lo âu cho kinh tế gia đình làm Thịnh xúc động thương cho người gia trưởng già nua tính toán lo toan cho đàn con đông đúc, nheo nhóc. Thịnh cũng nhắc lại cảnh hai đứa ngồi trên thềm trong sân trường tranh luận với nhau về những thời sự làm biến đổi khuôn mặt thành phố Ðà Nẵng thân yêu, và đứa nào cũng nơm nớp sợ đụng chạm tới tín ngưỡng của đứa kia, sợ vô tình đụng chạm tới tình bạn vô cùng trân quý. Thịnh ơi, những nét chấm phá tuyệt vời ấy đã tô điểm thêm cho tình bạn tụi mình càng thêm đẹp.

 

thư ấy của Thịnh được Méo nâng niu, xếp cất kỹ càng. Ngày Méo bị vô tù, má ở nhà lo quá đem hết giấy tờ, hình ảnh, quân trang của Méo đốt đi. Thằng bé ra tù chỉ biết ngậm ngùi thương tiếc bao kỷ niệm quý báu đã ra tro.

 

Còn biết bao là kỷ niệm những ngày lên nhà Thịnh, lên nhà Thống, lên nhà chị Cần chị Trinh, lên nhà chị P.T.An học chung. Nhìn mẹ Thống, má Thịnh, mẹ Trùy, má Méo ... cúc cung tận tụy lo cho chồng cho con mà Méo cảm thấy lời Y Vân diễn tả “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” cần phải sửa lại, phải bỏ chữ “như” đi mà thay vào nay chữ “hơn” mới đúng. Và Méo cảm thấy mình may mắn được học trong một lớp hỗn hợp nam nữ, vì những chị bạn cùng lớp ấy sẽ là những bà mẹ tuyệt vời sau này, như những bà mẹ đã ôm ấp che chở đám tụi Méo trong tình thương bao la, sâu đậm.

 

Thuở ấy, những tay có vẻ “bất cần đời”, có vẻ “bụi” một chút luôn là những hình ảnh mà em bé Méo hằng xuýt xoa ngưỡng mộ. Trong khi Méo lúc nào cũng quần kaki xanh, tay ôm cặp thì những B.V.Ðào, P.V.Cơ đi học không cần cặp, chỉ có vài tập vở cuộn lại nhét ở túi sau quần jean. Méo luôn đứng nhìn với ánh mắt thán phục và mơ ước mình “dám” chơi như vậy, nhưng mơ ước vẫn cứù là mơ ước, thằng bé chả khi nào dám thực hiện. Méo còn nhớ như in hình ảnh anh trưởng lớp tóc phồng cao bồng bềnh, chân chơi đôi giày da bò không vớ coi “bụi bụi”, túi sau nhét tập vở vo tròn, ui chao, không biết đến bao giờ Méo mới có thể dám vất đôi sandale để xỏ chân vào đôi giày không vớ, dám vất cặp đi để nhét tập vô túi quần sau. Cứ tưởng tượng ra cái cảnh ba má Méo giảng “luân lý giáo khoa thư” tràng giang đại hải là cũng đủ rét run rồi, còn dám đâu mà mơ với tưởng. Thế đấy, mấy anh lớn trong lớp đâu có biết thằng bé đau khổ vì thèm muốn được ung dung tự tại như mấy anh.

 

Mấy anh này còn chơi ác, vì không phải xách cặp nên mấy anh rảnh tay, rình rình giật cặp lũ bé con thả xuống đất làm banh đá qua đá lại, báo hại lũ nhóc chạy theo tháo mồ hôi hột mới vồ lại được cái cặp của mình mà ôm khư khư vào người như anh hà tiện giữ của. Ôi, từ bé đã biết buồn cho thân phận “nhược tiểu”.

 

Nhắc tới P.V.Cơ Méo nhớ lại dì Sỏi, má của Cơ, một người đàn bà hiền lành, chân chất mà lúc đó Méo phục nhất trên thế gian này. Một tay dì lam lũ cật lực để nuôi mấy anh em Cơ nên người, trong đó có anh Bích của Cơ sau này là niên trưởng Hải quân của Méo. Dì là nhân viên của ba Méo, ba má Méo quý dì lắm, coi dì như chị em, luôn tìm đủ mọi cách giúp dì và luôn lấy dì làm gương sáng cho anh em Méo. Những ngày rảnh rỗi Méo hay xuống thương cảng coi tàu ra vô bến, lần nào gặp dì cũng được dì dịu dàng  xoa đầu và thưởng cho một nụ cười thương mến. Bao năm qua rồi, không biết dì bây giờ ra sao, Méo vẫn thương nhớ dì.

 

Méo kêu hai người bằng dì, một người là má của Cơ, một người nữa là má của Thịnh vì dì là bạn học với ba Méo từ thời thơ ấu. Năm hội ngộ học sinh Quảng Nam Ðà Nẵng ở Nam Cali, Méo gọi cho dì và hứa sẽ tìm dì, nhưng rút cục trong lúc bận rộn tay bắt mặt mừng với bạn bè cũ giữa một rừng người đông nghẹt công viên thì chính dì lại là người len lõi tìm ra Méo trước, cảm động quá chừng. Dì đã qua tuổi cổ lai hy từ lâu mà vẫn giữ được nét đẹp của ngày xưa, Méo nhìn dì bỗng nhớ lại bao kỷ niệm lúc cả đám vẫn thường lên nhà Thịnh cùng học cùng chơi. Thời gian trôi mau quá!

 

Ðối với các thầy cô, Méo cũng may mắn được nhiều sụ cưng chìu. Cô T.N. Liễng có thời gian cho Méo đi chung xe với cô đến trường. Còn cô P.T. Gia Lai và thầày P.T. Kế em cô thì lúc bé Méo vẫn thường chạy qua nhà chơi và kêu bằng chị Gia Lai, anh Kế. Cho đến ngày hai người ra trường sư phạm về dạy, Méo phải theo bạn bè mà kêu bằng cô Gia Lai, thầy Kế, nhưng trong lòng Méo lúc nào cũng chỉ có hình ảnh người chị và người anh hàng xóm thân thiện mà thôi. Hồi đó ba Méo kể cho Méo nghe rằng cô Gia Lai là hậu duệ của cụ Phan Thanh Giản, Méo tự nhiên thấy khoái khoái vì mình ở cạnh nhà con cháu một vị trung thần. Cho đến lúc biết rằng ông ngoại của cô là cụ Phạm Liệu và ông cố ngoại của Méo là cụ Phạm Tuấn là hai con phụng trong Ngũ Phụng Tề Phi Quảng Nam thì bỗng dưng Méo thấy cô có cái gì đó gần gũi với Méo hơn.

 

Thầy B. Tấn và thầy V. Vinh thường cho Méo lên bảng sửa bài. Thầy N.N. Thanh thỉnh thoảng sau giờ dạy kể cho học trò nghe những chuyện phim hay ngoài rạp, tụi Méo đứa nào cũng thích mục này. Méo rất thích xem những bức tranh thầy P.H.Khánh vẽ hoa quỳnh từ lúc hàm tiếu cho đến lúc nở hết cỡ, thầy quý những tranh này lắm. Thầy N.T. Hối và thầy T.Ð. Ðàm là hai vị rất tiết kiệm nụ cười, vậy mà thỉnh thoảng cũng thưởng Méo ít nụ cười hiếm quý ấy.

 

Còn cô Ð.T. Liệu thì Méo thích lén gọi cái tên cúng cơm của cô ở nhà: O Khế. Cô biết Méo nghịch ngợm nhưng cô thương Méo lắm. Ngày Méo tới trại tỵ nạn Galang, Nam Dương, cô đang làm cho hội IRC bảo trợ người tỵ nạn. Chính hội này đã bảo trợ gia đình Méo qua Mỹ, và những ngày đầu chân ướt chân ráo, o Khế thương mến của Méo đã lo lắng cho gia đình Méo tận tình. O ơi, con mang ơn o lắm.

 

Ngày gia đình Méo còn vất vưởng ở trại tỵ nạn, P.V.Thịnh là người bạn dầu tiên bắt liên lạc và đã tận tình cưu mang gia đình Méo, bà xã Méo vẫn thường bảo Méo là số may mắn có những người bạn chí tình, chí cốt.

 

Lần Méo về quê nhà thăm má Méo đang bị bạo bịnh, Méo có ghé thăm ba của Thống, thầy N. Kế. Thầy lúc ấy đã nằêm liệt, không nói được. Thấy Méo đến thăm, thầy chớp mắt như muốn nói gì. Méo cầm tay thầy, nói chuyện với thầy, và nước mắt thầy lặng lẽ tuôn ướt gối. Nhớ ngày N.Ð. Thống lờ vờ đứng xem biểu tình bị cảnh sát bắt vô tổng nha, Méo đang thi phải bỏ thi đi lo cho bạn, đi nhắn thầy vô lo cho Thống. Sau đó thầy vẫn thường nắm tay Méo mà bảo rằng mấy đứa con chơi với nhau như anh em ruột trong nhà, thầy thương lắm.

 

Nhắc tới các thầy cô, Méo bỗng nhớ lại lúc thầy Kennedy T.H. Duận phạt cả lớp đứng nắng mấy ngày vì lớp bị mất sổ điểm mà không ai chịu giúp tìm ra thủ phạm. Méo còn nhớ rõ lời thầy :”Em mô dại dột thì hãy tự thú, trả sổ điểm lại rồi thầy tha. Ðừng để vì một em mà các bạn em phải đứng nắng cực khổ như ri. Hãy nghĩ tới nắng, mưa, sương gió đang chờ bạn của em.” Nhưng thầy vẫn không đạt được kết quả, và cuối cùng thầy đành bất lực với đám học trò kiên gan. Mãi cho tới bây giờ, không một ai biết được bạn nào đã dấu sổ điểm ngoài một số ít đoán vu rằng bạn nào tháng đó điểm quá thấp đã làm chuyện đó.  Có Trời mớiø biết được!

 

Những ngày hoa mộng ấy giờ đã xa tít mù, nhưng cái tình cảm bạn bè dành cho

nhau, cái tình thầy trò đối với nhau lúc nào cũng đầy ắp. Dù lúc nào, dù ở đâu, dù bận rộn ngộp thở với sinh kế, nhưng hễ có dịp thăm hỏi, hàn huyên hay hội ngộ vui chơi là kỷ niệm ngày cũ lại tuôn tràn lai láng, nói với nhau hoài cũng không dứt.

 

Trong cuộc sống đầy áp lực, đầy ngột ngạt này, những tình cảm quý báu ngày xưa còn lại cho nhau là những dòng nước ngọt mát rượi trao nhau trong cơn nắng hạ nung người.

 

Nhiều lúc thấy rung động mãnh liệt khi buột mồm vu vơ hát:

 

“Bao tháng ngày xa vắng trôi, còn đây mái trường xưa,

Xa vắng còn thiết tha mong, bên mấy khung song thưa,

Nay biết tìm ai nhắn đôi lời trong mối tình ta...”

 

Nguyễn Phùng Duyên