CÀ PHÊ PH NGƯỜI

Hoàng Nga

 

 

 

Sáng Trúc gọi hỏi trưa dì rảnh không đi uống cà phê với con. Cà phê phố người, phòng ốc lớn như một hội trường, bàn bàn ghế ghế dãy nọ dãy kia san sát nhau, chẳng có chút gì thơ mộng. Chỉ tiện đường đi. Và không khí tương đối dễ chịu, không ồn ào trẻ trung quá, cũng không già đến độ nói tiếng lớn là bị ngay một cái quay đầu, một đôi chân mày cau lại khó chịu.

Bàn ghế vậy, chỗ ngồi nhiều vậy, nhưng có khi vẫn không đủ cho khách, nên thiên hạ thiếu cữ, thấy ghế trống là xin vào ngồi chung. Chuyện riêng tư, chuyện mình, chuyện người, chuyện quan trọng, chuyện ngồi lê đôi mách, nếu kẻ xin ngồi ké mà cũng thông hiểu được cái ngôn ngữ của người ngồi cùng bàn, đương nhiên là sẽ am tường đầu đuôi gốc ngọn mọi thứ.

Cũng may mà tôi và Trúc không phải trò chuyện, trao đổi với nhau bằng cái thứ tiếng đọc diễn văn, kêu gọi nhốt dân nọ dân kia vào Ghetto, xịt hơi ngạt, vì vậy thỉnh thoảng vẫn còn đủ can đảm rủ nhau đến đó.

Cái quán cà phê phố người, ngay giữa phố xá thị thành ấy, hình như không có nhạc. Hay có nhạc mà loại xập xình, rock, rave, techno sao đó, nghe chỉ làm mệt tim thêm, nên tôi không để ý. Hứa hoài với Trúc, một tối ở chỗ khác, có vườn cây, có độc tấu dương cầm và có người nhạc công mê Mozart, nhưng tôi vẫn không làm sao sắp xếp được thì giờ rảnh rỗi vốn rất ít ỏi của mình. Trúc hay an ủi tôi, có còn hơn không. Và nói thêm, từ trên lầu nhìn xuống, ngồi chỗ nào trong cái quán cà phê ấy cũng có thể ngó thấy tòa thị chính, thấy nóc nhà thờ thành phố với kiến trúc hình vòm nổi tiếng, thấy dân du lịch qua lại chụp hình chụp ảnh và thấy cả cảnh sát chận xe, chận người hỏi giấy tờ, phạt tiền, kể cũng vui mắt.

Trúc như tôi vậy, rất mê những khoảng thì giờ thảnh thơi được ngồi ngắm nhìn thiên hạ, phố phường. Nhưng thường mỗi lần gặp nhau, cả hai dì cháu cũng đều có quá nhiều chuyện để nói, để bàn luận và chia xẻ với nhau, nên cái thú thưởng ngoạn cảnh, vật và người có khi đành xếp xó. Có lần Trúc phì cười bảo, thật ra thì người có gì đâu để mà ngắm. Rồi nói thêm, khỉ làm trò khỉ còn khiến người ta nhe răng ra được, chứ người mà làm trò người coi bộ khó coi!

 

Từ chỗ tôi làm, chạy ra phố hết năm phút đi xe điện ngầm tốc hành. Hai phút leo lên cầu thang máy ra khỏi hầm xe điện. Thêm một phút trèo lầu quán cà phê. Quán đông người, có hôm chờ bồi bàn tới phục vụ mất cả hơn hai mươi phút. Tôi thường được nghỉ trưa gần ba tiếng đồng hồ. Ăn gian thêm giờ làm việc buổi tối, ngồi lại với Trúc có khi mươi, mười lăm phút nữa. Như vậy, kể từ lúc gọi được ly cà phê, đĩa bánh ngọt, tính tới tính lui, chuyện đội đá vá trời chắc không kịp chứ tán dóc áo quần chợ búa và than vãn nọ kia, kể ra cũng thừa thì giờ. Và kể thêm, cũng không đến nỗi khó khăn, trắc trở gì để sắp xếp được những lần “ngồi quán uống ly cà phê“ như lời bài hát nào đó.

Nhưng điều kỳ lạ ở chỗ, là ngó vậy chứ dường như lần nào muốn đi cũng phải hẹn tới hẹn lui năm lần bảy lượt, phải tính toán so đo đủ mọi chuyện, hai dì cháu mới có dịp thấy nhau.

Mà thật ra thì mỗi tuần tôi và Trúc có thấy nhau một lần. Trong nhiều tiếng đồng hồ. Ở nhà thờ. Và quả đúng là chỉ “thấy“, hoàn toàn theo nghĩa đen. Có nghĩa là ngó thấy nhau, cười với nhau một nụ từ xa xa, xuyên qua giữa những hàng ghế và người ngồi. Hôm nào rảnh rỗi lắm, gặp nhau ở ngưỡng cửa, ôm hôn nhau một cái, hỏi thăm sức khỏe được đôi câu là vừa vặn tới giờ ra mắt Chúa. Cả tôi lẫn Trúc đều tất bật túi bụi nên có khi đứa này còn đi trễ, đứa kia đi muộn nữa là khác. Ngó thấy nhau như vậy, “hallo“ được như vậy có thể đã gọi là may! Và cuối giờ, hết lễ lạy, thì hoặc tôi, hoặc Trúc, phải ba chân bốn cẳng chạy một mạch về chỗ làm. Thứ bảy, Chúa Nhật thiên hạ sum họp gia đình, dẫn nhau đi ăn, đi uống, cả hai dì cháu tôi đều làm cái nghề quán xá, phục vụ, chuyện được nghỉ ngơi, thong dong hiếm như trúng số. Tôi còn tệ hại hơn vậy nữa, một tuần bảy ngày, đủ cả bảy sáng xách ô đi tối xách về.

 

 

Trúc hỏi tôi dạo này dì thường không. Tôi ngó Trúc. Muốn nói lâu rồi dì không còn thường nữa, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại trả lời. Thường. Sau đó tôi thêm, phải bình thường chứ Trúc. Nghe, Trúc bật cười. Tôi chậc lưỡi, làm việc như dì, sao có thể bất bình thường được chứ hả Trúc. Trúc lại phì cười khi câu nói của tôi vừa chấm dứt. Tôi bảo chừng nào Trúc thấy người ta chở dì đi bịnh viện tâm thần là lúc đó dì hết bình thường Trúc hỏi gặng:

- Mà thiệt là thường không dì?

Tôi nhắm hai mắt lại đôi giây. Sau đó mở ra. Mở bừng mắt ra nhìn thẳng lên nóc nhà thờ. Cái nóc nhà thờ cao vời vợi. Sơn màu xanh lá cây. Tự dưng tôi nhủ thầm hôm nào phải đi tìm xem kiến trúc sư nào đã vẽ kiểu, rồi cũng bỗng dưng sực nhớ đến cái dự định sẽ thi vào ngành kiến trúc vào những năm vừa mới được trở lại trường. Tôi thở dài. Áo cơm giết cái ước mơ, và bổn phận khiến cái dự tính dãy chết đành đạch...

Trúc giật mình khi nghe tôi thở dài:

- Sao vậy dì?

Tôi cũng giật mình:

- Không có gì hết Trúc. Nghĩ tới chuyện đi học trở lại, tự nhiên đâm buồn.

Trúc gặng lại lần nữa:

- Hồi nãy con hỏi có thiệt là dì bình thường không, dì chưa trả lời.

Tôi mủi lòng:

- Trúc biết rồi. Nói vậy chứ thường sao được. Nhiều lúc chỉ còn thiếu chuyện mua khẩu súng về bắn một phát vô đầu nữa thôi.

Trúc xua tay, can:

- Thôi dì. Kiếm cách nào chết dễ dễ mà vẫn giữ được nguyên vẹn bộ mặt của mình để thiên hạ đi đưa đám đỡ thấy sợ dì à.

Chết cách nào bây giờ. Tôi nhớ tôi và một anh chàng khách quen có lần tán gẫu với nhau về vấn đề này. Hắn bảo, chết bằng dao đâm vào bụng như võ sĩ đạo của Nhật chắc đau lắm. Tôi nói nhảy xuống sông có lẽ ít đau hơn, nhiều lắm là chỉ tức ngực chút chút lúc mới chúi đầu xuống nước thôi. Hắn lắc đầu than, tôi biết bơi! Nhảy xuống là khả năng muốn sống sẽ trỗi dậy, cam đoan tôi sẽ bơi vào bờ ngay. Tôi đề nghị uống thuốc ngủ, hắn đáp muốn chết oai hùng hơn. Tôi phì cười, bảo vậy thì hắn nên theo đạo Hồi, gia nhập vào hàng ngũ khủng bố, xin được đeo bom vào người, ra ngay giữa chợ mà chết. Hắn lườm tôi.

Tôi biết hắn nói vậy, chứ sức mấy dám tự tử. Cái mặt bảnh bao như hắn, nghề nghiệp ngon lành như hắn, điên sao tự tử. Tôi gọi hắn là Don Juan. Don Juan có một lô một lốc bồ bịch. Hẹn hò còn phải lên lịch, lên chương trình. Bàn chuyện tự tử, chắc chỉ vì khả năng muốn các em thương nhớ khóc than!

Tôi kể lại cho Trúc nghe và nói chết bằng cách bắn vào đầu như tôi mới nhắc tới, hẳn là sẽ đau và xấu xí, nên tôi sẽ suy nghĩ lại kiểu qua đời của mình. Trúc nói dì vẫn ước ao được về với Chúa lúc sáu muơi tuổi để chưa đến nỗi làm ma già, và để còn có người làm thơ tiễn đưa mùi mẫn, nên con nghĩ bắn vào đầu là chuyện không nên xảy ra với dì. Thiên hạ sẽ không dám làm thơ, làm nhạc cho người không còn... nhan sắc theo nghĩa đen. Tôi buồn rầu đáp ừ. Chết như vậy mặt nát bét thấy ớn.

Hai dì cháu quậy ly cà phê. Ngó đông ngó tây. Một hồi, chắc máu tò mò nổi lên, Trúc lại hỏi, dì không liên lạc với bên ấy thiệt hay sao. Tôi im một hồi rồi gật đầu. Trúc chép miệng, như vậy thì buồn chết. Tôi nói không có đâu. Trúc đáp con ở một mình như dì dư sức biết có những hôm vừa bước chân về đến ngưỡng cửa, chưa kịp mở cửa phòng lọt vào trong là đã òa lên khóc như con nít. Trúc chép miệng, cái nỗi buồn nó đông cứng như nước đá ở trong lòng, chỉ chờ dịp nhìn thấy cảnh đìu hiu, nghe câu nói tang thương là chảy ra, níu lòng mình xuống tận đáy địa ngục dì ơi.

Tôi kể:

- Tối nào trước khi lên giường, dì cũng uống hết nửa chai rượu vang đỏ. Say bét nhè. Người điên không biết nhớ và người say không biết buồn. Dì đi ngủ với nửa chai rượu thì chẳng nhớ thương, buồn khổ gì hết.

Dì không thèm buồn. Tôi tuyên bố. Trúc hỏi rồi cái tấm hình của chú và dì sao con vẫn thấy dì treo ở cuối giường. Trước khi ngủ, dẫu xỉn mà ngó thấy cái tấm hình dì và chú ôm nhau âu yếm như vậy, tâm vẫn tịnh, lòng vẫn yên thì con phục dì sát đất. Dì xứng đáng được gắn huy chương anh dũng bội tinh. Tôi nhìn Trúc. Nước mắt muốn ứa ra, cổ họng muốn nghẹn như đang ăn miếng bánh nhiều bột. Tôi định nói, sao Trúc nỡ lòng đâm dì một phát đau đớn như vậy! Nhưng rồi tôi cúi xuống nhìn ly cà phê Ý đậm, đen sẫm một màu, nổi bật lên giữa màu sứ trắng của ly tách. Trúc hỏi:

- Cái hình đó kỷ niệm chuyến đi đầy hạnh phúc của chú và dì phải không?

Tôi gật. Trúc bưng ly cà phê lên uống. Để xuống. Nói. Nhìn là biết dì và chú đã vui như thế nào. Trúc bảo con cam đoan với dì, chú đang làm thơ buồn cho dì. Tôi bĩu môi, chú dễ quên. Chắc chú đã quên dì như con sông quên giòng nước chảy về đại dương. Những bài thơ nếu có, chú làm cho dì chắc cũng sẽ như cho lê lựu trăng đèn. Trúc nhăn mặt, tính dì cả nghi, giống Tào Tháo.

Tôi chớp mắt:

- Trúc không biết sao, lần trước dì sang bên ấy, trước khi gặp nhau, chú có công chuyện phải đi qua tiểu bang khác, tiểu bang có người xưa của chú, về nhà chú làm thơ, tặng thiên thu, tặng ngàn năm. Di là con số không trong lòng chú.

Trúc bật cười:

- Con thấy chú chăm sóc, lo lắng cho dì thiệt dễ thương. Chú là thi sĩ, nên cảnh đó người đây luống đoạn trường, chú tức cảnh về nhà làm bài thơ cho thiên hạ đọc chơi vậy thôi.

Tôi lắc đầu:

- Có đề tặng người đó nữa. Làm cho người đó. Đăng báo để người đó đọc.

Trúc lại phì cười:

- Mà đăng báo thì dì cũng đọc nữa. Như vậy có nghĩa là không quan trọng mới đem công khai như nhà thờ mình công khai tài chánh, dán tấm bảng thiệt bự ở giữa nơi ai ai cũng có thể nhìn thấy.

Tôi cãi:

- Trúc đừng binh vực cho chú. Chú biết tờ báo đó dì không đọc nên mới gửi đăng. Tình cờ người bạn của chú gửi cho dì.

Trúc chép miệng. Ông nào mà ác nhơn thất đức quá vậy. Tôi bảo người ta ý tốt lòng lành. Chỉ có chú là hai lòng. Trúc cười ngất. Vậy thì dì tặng cho chú câu Kinh Thánh, nếu ai có hai lòng hãy làm sạch lòng đi. Tôi nói tôi không thèm.

 

 

Tôi nói tôi chỉ muốn yên tĩnh một mình. Ngậm đắng nuốt cay một mình. Trúc bảo con có nhiều bài hát diễn tả cảnh cô đơn, cảnh tình phụ lắm dì. Dì muốn nghe bài nào con đem tới.

Tôi quậy tầy huầy miếng bánh. Lên án kẻ vắng mặt:

- Dì lúc nào cũng cố giữ tình cảm thật tốt đẹp với chú. Tôn trọng từng tính ý chú. Người xưa của chú chê chú không bằng người ta, nhưng với dì, chú là số một. Chú thấy dì thương chú vậy rồi ăn hiếp dì.

Trúc bật cười ha hả:

- Chú ngó vậy mà ngon quá à nha!

Tôi hỏi lại “ngó vậy“ là sao. Trúc bảo con thấy chú hiền khô. Ai cũng thấy chú hiền khô. Ai dè chú có khả năng... ăn hiếp dì. Tôi bĩu môi, người ngoài không nằm trong chăn làm sao biết chăn có rận.

- Chú “bề ngoài“ đó Trúc.

Trúc không cãi với tôi nữa. Không biết vì sợ tôi giận hay thua lý của tôi. Trúc khen cô áo vàng đi dưới đường có đôi chân đẹp quá. Mùa này vẫn còn những vạt nắng cuối cùng để thiên hạ ra đường khoe vai mỏng, chân thon. Tôi nhìn theo Trúc. Tự dưng lại nhớ đã sắp đến lễ hội tháng mười. Tôi chậc lưỡi:

- Năm ngoái chú định năm này qua đây vào dịp lễ.

Sau đó tôi tiếp. Năm ngoái giờ này dì với chú đang chuẩn bị cho chuyến đi xuyên tiểu bang. Vui ơi là ơi. Mấy ngày lên dốc xuống đèo, qua biển qua sa mạc. Trúc hỏi có nắm tay nhau không dì. Tôi đáp có. Trúc bảo chạy đường dài có người nắm tay, thấy ngắn. Đang hân hoan kể, tôi chùng giọng xuống:

- Nhưng giờ thì hết rồi.

Trúc nói hết sao được mà hết. Tôi nói hết thiệt. Dì là con số không của chú. Trúc hỏi lại vậy chú số mấy của dì. Số một. Ngày xưa là số một. Trúc cười, dì làm như giờ đã “ngày nay“ lắm rồi. Và Trúc hạ giọng, hay là dì gọi cho chú một tiếng. Tôi lắc đầu:

- Không.

- Dì giận và dì buồn?

Tôi bĩu môi:

- Ai thèm giận. Ai thèm buồn.

Trúc ngoéo tay tôi. Chắc nhen, không buồn nhen. Tôi nói chắc. Trúc chép miệng, dì ngon hơn chú. Nhưng sau đó Trúc nói, mà như vậy thì cô đơn chết dì à. Tôi hùng dũng. Xưa nay dì vẫn một mình. Ban ngày dì đi làm, tối dì về uống nửa chai rượu, dì không cô đơn. Trúc lắc đầu, dì uống toàn rượu mắc tiền, tốn thấy mồ đi dì ơi.

 

 

Hết giờ. Hai dì cháu phải về. Tôi đi làm. Trúc đi học thêm tiếng Anh, dự định bỏ xứ sở này như tôi. Chào nhau xong hai dì cháu đứng xớ rớ cầm áo khoác lên một hồi rồi mới ra cửa. Tới ngưỡng cửa, tôi đứng lại. Lâu thật lâu sau, tôi bảo Trúc:

- Lần sau đừng đi quán cà phê này nữa nghe Trúc. Ngó tới ngó lui, tự dưng lại nhớ tới lần Trúc và dì đưa người ta tới đây. Ở cái góc đàng kia Trúc nhớ không. Cảnh đó người đây. Lát nữa dì về nhà, dám phải ghé mua một khẩu súng thiệt quá.

Trúc bảo nếu dì tự bắn vào đầu thì con không can. Nhưng định bắn chú, nhớ mua vé máy bay cho con đi theo với. Trúc gật gù, làm một chuyến viễn du với dì, chắc vui. Tôi làm thinh. Trúc thêm, mà không chừng cái ý định ở lại luôn bên đó của con còn thực hiện được sớm đó dì. Dì bắn chú, con ở lại làm nhân chứng, người ta thấy con đàng hoàng, chắc sẽ cấp giấy nhập cảnh cho con.

Tôi không ngó Trúc mà ngó xuống đường. Trời nắng trong veo. Soi rõ nóc nhà thờ. Soi rõ tòa thị chính. Và hẳn nhiên cả người qua lại. Không thấy khỉ làm trò khỉ cho tôi cười. Chỉ thấy chao ơi, người và người. Nên chao ơi, tôi cũng bỗng thấy tôi đang sắp khóc ở con đường phía dưới kia nơi tôi và “người ta“ từng có lần tay trong tay!

 

HOÀNG NGA