Tt g hơn tt nước sơn

Li Th Mơ

 

 

 

Đê sông Đà bị vỡ, dân Hà Nội lại vất vả chuyện thiếu nước. Còn Saigon thì đường biến thành sông, chỉ sau vài tiếng đồng hồ mưa lớn. Không ngày nào mà không nghe toàn những tin tức xấu từ quê nhà yêu dấu. Mà có phải là những chuyện “vá bể lấp trời” gì cho cam: toàn là đường biến thành sông, đường sắp lún, cầu sập, cống nghẹt...

 

Ngày xưa, thưở mà khi những đồng chí đồng rận chưa chiếm được miền Nam, chẳng bao giờ Sàigon bị ngập kinh khủng như vậy.

 

Nhà cửa xây tứ tung, nhưng không xây hệ thống thoát nước. Nền móng không có thì sau đó đủ mọi thứ khó khăn sẽ xảy ra thôi.

 

Từ xưa ông cha ta đã dạy rằng: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

 

Tề gia nghĩa là chuyện gia đình phải yên ổn trước nhất. Rồi hãy nghĩ đến chuyện trị quốc, sau cùng mới có thể lo tới chuyện thiên hạ.

 

Chuyện nhỏ làm trước,chuyện lớn làm sau. Nhưng mấy ông lớn thì không thích làm chuyện nhỏ. Cái gì cũng thật to, thật hoành tráng cho thiên hạ ngó vào. Cái dinh thự thì đập vào mắt mọi người, chứ cái cống ở dưới đất có ai thấy đâu. Làm chi uổng tiền.

 

Còn mọi thứ hoạt động phải có tầm cỡ quốc tế, nên ai có gì mình cũng phải có cái đấy, kẻo không thế giới quên mất VN. Vì thế tham gia cả Olympic. Nhưng chỉ có vài vận động viên tham dự,nhưng kéo theo một đàn ăn ké. Tiền chùa lấy từ ngân quỹ quốc gia, tội gì không xài. Đem chuông đi đấm xứ người, mà toàn chuông rỉ sét chẳng vang lên được.

 

Bỏ phế gia đình mà gia đình là đơn vị căn bản của một quốc gia, là nền móng cho một nước phát triển. Gia đình có tôn ti trật tự, thì xã hội mới ấm no hạnh phúc.

 

Ngày xưa khi còn học tiểu học, ai cũng nhớ bài luận, tả sinh hoạt của gia đình em vào buổi tối. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng viết cha tôi ngồi xem báo, mẹ tôi ngồi đan áo bên ngọn đèn dầu hao.

 

Bây giờ không còn cảnh thanh bình như vậy nữa.

 

Nhà giầu thì cha ngất ngưởng nơi quán nhậu, mẹ mê mải chốn bạc bài, con xập xình chỗ vũ trường thâu đêm suốt sáng.

 

Trẻ con nhà giàu hay nhà nghèo cũng chẳng có mái ấm gia đình cho đúng nghĩa.Nhà nghèo thì cha mẹ phải vất vả bươn chải lo miếng cơm manh áo,chẳng có thời giờ cho con cái. Nhà giàu thì cha mẹ cũng không có thời giờ đành cho gia đình.

 

Mọi thối rữa của xã hội bắt nguồn từ gia đình. Cũng như xây một căn nhà nhưng không làm chân móng.

 

Ngày xưa các kiến trúc sư khi qui hoạch xây dựng khu đô thị. Mọi điều nghiên tính toán đều được chuẩn bị vô cùng chu đáo, và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cấp lãnh đạo.Chuyện này không còn nữa, mọi thứ khi làm xong coi như hết trách nhiệm. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

 

Xây cầu thì ăn bớt sắt và xi măng, xây ít lâu thì cầu sập. Lót đường thì tráo gạch mắc tiền thành gạch rẻ tiền nên vài tháng thì gạch bong.

 

Nhưng khi làm xong thì khai trương khánh thành um sùm,khua chiêng gõ trống,như thể làm được một công trình ích nước lợi dân. Còn chuyện khi hư hỏng thì coi như chìm xuồng, tiền đã chia chác hết rồi. Chẳng có ai chịu trách nhiệm, chỉ có dân nghèo lại đóng góp tiếp để xây dựng công trình khác.

 

Nhà thương,trường học thì không xây, nhưng xây tượng đài ngàn tỉ, để trơ gan cùng tuế nguyệt. Hay như những ông tiến sĩ giấy, đứng giữa trời, mặc cho mưa sa bão táp.

 

Ông đứng làm chi đấy hỡi ông?

Bầy ra đủ thứ trò thì mới có cơ hội cắt xén, bỏ vào túi riêng, còn đời sống hàng ngày của dân thì không nói đến.

 

Nạn tham nhũng là căn bệnh huỷ hoại tất cả mọi cơ chế trong xã hội.

 

Sau khi chiếm được miền Nam, lòng tham đã làm mờ mắt bọn cầm quyền. Đầu tiên là chiếm nhà. Sau đó cướp của bằng chiêu bài đánh tư sản mại bản.

 

Đổi tiền cũng là một hình thức cướp trắng trợn, khi qui định mập mờ mỗi gia đình chỉ được đổi một trăm ngàn tiền cũ, lấy hai trăm đồng tiền mới.

 

Thời Tổng Thống Diệm người ta chỉ trích chính sách gia đình trị, còn bây giờ con cháu ông lớn, chẳng cần học hành vẫn giữ những chức vụ quan trong. Toàn làm trưởng để ký giấy, còn con cháu của các thành phần phải xét lý lịch thì chỉ làm phó. Bác sĩ Đỗ hồng Ngọc nói rằng: ông luôn luôn phải làm phó,vì ông là người tốt nghiệp trường của chế độ cũ.

 

Ngày chiếm được miền Nam, họ bảo rằng: đó chỉ là phồn vinh giả tạo.

 

Còn bây giờ phồn vinh không giả tạo mà là giả mạo.

 

Tham nhũng từ thượng tầng cho tới hạ tầng,bất cứ chỗ nào ăn được là ăn. Bất chấp chuyện gì sẽ xảy ra sau đó,theo kiểu hết xôi rồi việc. Khi có chuyện  xảy ra thì bắt đầu đổ thừa. Thành xuống tỉnh, tỉnh xuống quận,quận xuống phường... Không đổ thừa thì cãi cối cãi chày , để lấp liếm chạy tội. Nếu có chứng cớ đã rành rành như toàn biển miền Trung bị nhiễm độc. Cá chết hàng loạt thì miệng im như thóc. Chẳng hề tìm cách nào để cứu dân cứu nước. Đến độ nước ngoài phải nhao nhao bắt kẻ gây ra phải trả lời.

 

Họ chịu đền 500 triệu đô. Tưởng vậy là nhiều ư? Dân không còn kế sinh nhai thì cho ra nước ngoài làm thuê, làm mướn để gửi tiền về nuôi gia đình. Có nghĩa là những người ở nhà chưa chết ngay, mà là chết từ từ.

 

VN quê hương tôi, bây giờ như cây tầm gửi. Không còn có thể tự lực cánh sinh, mọi thứ phải trông chờ vào sự trợ giúp của nước ngoài.

 

Hình ảnh một con chó khoác vào bộ áo sặc sỡ, được chủ dắt đi chơi. Con chó tha hồ chạy nhảy, nô đùa cùng những con chó khác, được quyền sủa gâu gâu. Nhưng không được đi đâu tự ý, vì con chó có sợi dây thòng lọng giấu dưới cổ.

 

Tất cả bọn cầm quyền ở nước tôi, tha hồ khua chiêng gõ mõ, làm gì thì làm nhưng vẫn khép nép dưới một thế lực vô hình.

Càng tham nhũng thì càng làm cho nước nhà mau tàn lụi, như một thân thể bệnh hoạn sắp đến lúc ngã gục.

 

Ngày xưa các cụ thường mỉa mai:

 

Con ơi ! nghe lấy lời cha

Một năm ăn trộm bằng ba năm làm.

 

Mà quả thật, các ông cha lấy cắp của công, thì cũng là một loại ăn cắp đó thôi. Còn con ông cháu cha chẳng cần học hành làm chi cho mệt xác. Bởi vì một người làm quan cả họ được nhờ.

 

Gia đình trị có thấm gì với Đảng viên trị. Bằng bất cứ cách gì cũng phải phấn đấu vô đảng. Điều kiện ắt có và đủ để làm quan to , phải là đảng viên trung kiên, không cần trình độ và kiến thức chuyên môn.

 

Chỉ cần có thời gian sống trong rừng, các đảng viên có thể xây dựng mọi thứ rất hoành tráng từ đường hầm xuyên qua núi, xe điện,cầu vượt…

 

Ngoài ra còn chơi trội hơn các xứ Âu Tây,  xây rạp chiếu phim có giường nằm. Có điều khi đi xem phim nhớ đi xem vào ngày nắng, chứ xem vào ngày mưa thì rạp sẽ biến thành khách sạn. Vì phố đã biến thành sông mất rồi. Đường phố choáng ngợp đèn nhấp nháy, nhưng muỗi thì vẫn cứ sinh sôi nảy nở, nên bệnh sốt xuất huyết vẫn cứ theo chu kỳ hàng năm chích chết con nít. Những bệnh rất phổ biến như sốt tê liệt đã bị chế ngự trên khắp thế giới,ngoại trừ VN. Quả là tội nghiệp cho dân nghèo, chẳng biết bám víu vào đâu. Đã lỡ sinh ra đời thì phải sống thôi.

 

Nơi nào ăn chơi thì cứ ăn chơi, nơi nào bệnh thì cứ bệnh. Chẳng khi nào các quan to mũ dài áo rộng quan tâm đến đời sống dân nghèo.

 

Thành phố ngập tràn nơi ăn chơi giải trí, đó là phồn vinh giả tạo hay giả mạo? Ti vì thì ru ngủ dân bằng hài kịch nhảm nhí, hay những bộ phim truyền hình nhiều tập. Trong tất cả mọi hoạt động, luôn luôn chú trọng về hình thức, tạo nên một thị hiếu khoe khoang lố bịch. Nhiều chữ mới được dùng hàng ngày đại gia, chân dài, diva, người mẫu…

 

Mặc nhiên xã hội quay cuồng chạy theo vật chất. Quan to có chức có quyền đua nhau xây nhà to như lâu đài. Tự hào trong nhà toàn vật dụng làm bằng gỗ quí hiếm, hay trưng bày những bộ lông của những con thú sắp tiệt chủng. Họ chẳng biết gì những qui định về sinh môi, sinh thái.

 

Họ chẳng cần biết cha ông ta vẫn thường khuyên nhủ con cháu:

 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người.

 

Biết bao nhiêu lâu đài màu sắc lòe loẹt được xây trên cát. Những cái bánh chưng thật to, đủ thứ lễ hội tổ chức trình diễn vô cùng ngoạn mục. Người ta tổ chức rất nhiều nơi các cuộc thi hoa hậu,hay tuyển lựa giọng ca vàng.

 

Có ai biết đâu đêm đêm người dân nghèo sống chui rúc ở những nơi bùn lầy nước đọng. Tệ nạn xã hội tràn lan, ma tuý và mãi dâm là mối ung nhọt đang đưa đất nước tới chỗ diệt vong.

 

Trông chờ bên ngoài giúp đỡ, thì họ đã trả lời: tương lai của bạn do bạn quyết định.

 

Cho tới bây giờ vẫn chưa có một dự tính nào, để làm trong sạch lại bờ biển miền Trung. Sự im lặng đồng lõa với tội ác: há miệng mắc quai.

 

Ngày xưa những kẻ chiến thắng đã dùng chiêu bài yêu nước. Thử hỏi bây giờ hai chữ đó, họ có mạnh dạn huênh hoang nữa không? Quê hương tôi đang mấp mé bên bờ vực thẳm. Quái vật trăm đầu đang chuẩn bị nuốt chửng quê tôi. Như con mèo khi bắt được mồi, nó phải vờn con mồi cho đến khi kiệt sức, rồi mới từ từ nhai xương xé thịt.

 

Không dám nói đích danh bọn Chệt, mà chỉ dùng chữ “lạ”, vô cùng khó hiểu. Người lạ đã ở khắp nơi,từ cao nguyên cho tới đồng bằng. Nhưng truyền thanh,truyền hình không được hé môi. Cấm tiệt mọi tin tức hình ảnh được đưa lên hay đề cập đến.

 

Thành phố vẫn rực rỡ ánh đèn, các tụ điểm vui chơi vẫn vang dội tiếng cười. Người ta vẫn sinh hoạt như không có gì xảy ra, bởi vì không ai có quyền thắc mắc.

 

Dù 100 ngày đã qua, hay bao nhiêu ngày nữa sẽ qua.

 

Biển đã chết rồi còn chi nữa đâu em.

 

Hãy chờ cho tới khi lớp sơn loè loẹt bên ngoài tróc ra, phơi ra lớp gỗ trong mục nát. Vận mệnh nước tôi đang trên bờ vực thẳm, bởi những người từng hô hào yêu nước thương dân.

 

Cả nước được phủ lên một lớp sơn loè loẹt. Hãy điểm lại trong 41 năm chiếm được miền Nam, đất nước ta có gì tốt đẹp hơn ngày xưa.

 

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

 

Vẫn là lời nhắn nhủ của tiền nhân cho hậu thế muôn đời.

 

Lại Thị Mơ