Gà Gáy Bình Minh

Li Th Mơ

 

 

Còn tới gần một tháng nữa mới tới ngày đưa ông Táo. Nhưng ông Tư Bảnh cứ thở dài thườn thượt, đứng ngồi không yên, lòng dạ bồn chồn. Người ta nói ngủ như gà lên chuồng. Tức là đi ngủ sớm, vì mới chạng vạng là gà đã lên chuồng rồi. Bởi vậy mấy người không thấy đường khi trời nhập nhoạng tối, người ta gọi là bị quáng gà. Hèn chi đi ngủ sớm là phải rồi. Ông Tư tuổi con gà, mà cứ lọ mọ thức khuya, người ta bảo ông tuổi con dơi hay con cú. Cả tháng nay ông cứ thao thức trông ngóng con gái làm ăn trên Sè Gòng dìa ăn tết. Mỗi khi thấy có cái xe hơi nào chạy ngang nhà, ông cũng hồi hộp chạy ra. Để rồi tiu nghỉu chạy vô, miệng lầm bầm “không phải nhà mình”.

 

Bà Tư vẫn im như thóc, lúi húi lo làm dưa làm kiệu cho ba ngày tết. Ông Tư hết đứng lại ngồi, lâu lâu lại liếc xéo qua phía nhà Năm Lửa, xế xế gần nhà ông. Bà Tư bực mình quá mới cằn nhằn ông làm cái gì mà giống như gà chết vậy? Thiệt tình y như con gà mắc dây thun, tết nhứt mà không lo lau chùi bàn thờ đặng rước ông bà. Ông Tư không thèm để ý những lời cằn nhằn, vẫn đăm chiêu nghĩ ngợi. Bỗng ông quay qua hỏi một câu bâng quơ chừng nào con Thu Ba dìa? Bà Tư thấy ông chồng không quan tâm tới chuyện lau bàn thờ, cũng bực mình ngoe nguẩy đi ra hàng ba trước cửa. Không nghe vợ trả lời, ông Tư cũng bước ra nạt lớn: tui hỏi bà chừng nào con Thu Ba dìa? Bà Tư giật mình. Vì nói nào ngay, bà cũng vừa liếc xéo qua phía nhà Năm Lửa, miệng lầm bầm con mẹ Năm Lửa bữa nay xảnh xẹ quá, mặc áo mút-si-lin, che dù, xách bóp đầm mà miệng thì vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Thiệt là đỏng đảnh như con cá cảnh.

 

Ông Tư không nghe vợ trả lời, bực mình quá hét lên: tui hỏi bà chừng nào con Thu Ba dìa, để tui còn tính. Bên kia bà Năm đang ngồi sau lưng thằng con trai út, trên chiếc xe xì po mới cáo cạnh. Cái xe dọt đi rồi, bà Tư mới sực nhớ chưa trả lời câu hỏi của ông chồng. Bà lơ đãng nói nghe đâu tới cúng ông Táo nó mới dìa. Cúng ông Táo? Năm cùng tháng tận mà nó chờ tới dựng rạp mới dìa thì còn mua bán gì được. Bà Tư bực mình cũng nạt ngang: ông làm cái gì mà lăng xăng như gà mắc đẻ vậy. Về thăm nhà chứ làm ăn gì mà sớm với trễ. Ông Tư thấy bà Tư lên giọng, cũng hằm hè bà đừng có giở giọng gà mái đá gà cồ ra với tui nghe không? Tui chờ con Ba dìa, vì nó hứa sẽ mua cho tui cái ti vi còn hoành tráng hơn cái ti vi của thằng cha Năm Lửa mua năm rồi.

 

Bà Tư giận dỗi đi xuống bếp, trong bụng nghĩ đúng là gà tức tiếng gáy. Ổng muốn mua cái ti vi đặng coi cải lương. Còn bà thì cũng muốn con gái mua một cái xe in hịt cái xe của con mẹ Năm Lửa. Mua xe thì chạy ra đường làng trên xóm dưới ai cũng thấy. Chứ cái tivi để ở trong nhà, ổng coi chứ bà lo buôn bán tối ngày đâu có thời giờ coi. Hồi trước người ta kêu ổng làm phó ban tuyên huấn ở trên huyện. Ổng làm biếng đi xa, biểu thôi đi về đuổi gà cho vợ. Ổng làm trưởng phòng ở xã chứ không  chịu làm phó ở huyện. Ổng nói tui thà làm đầu gà chứ không làm đuôi trâu.

 

Bà Tư thường than thở với con cháu của bà, ở mãi tận miệt U Minh xa lắc. Ông Tư thuộc loại có tiếng mà không có miếng. Ổng nói về đuổi gà cho vợ, chứ thiệt ra ổng có làm chi đâu, gà què ăn quẩn cối xay đó mà. Hồi đó bà đã năn nỉ má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu? Nhưng bà già vẫn không chịu, vẫn bắt bà lấy chồng miệt chợ. Ông Tư ỷ là con một nhà giàu, chung quanh bà toàn là anh em con cháu nhà chồng. Bà lúc nào cũng như con gà mắc mưa, ủ dột eo xèo lo buôn lo bán đặng cung phụng

 

Cơm gà cá gỏi cho ổng.

Con gà tốt mã về lông

Răng đen về thuốc

Rượu nồng về men.

 

Bà Tư nhớ lại thuở còn con gái biết bao người ngấm nghé, mà má bà vẫn ép bà lấy con trai một làm chi. Để bây giờ trăm dâu đổ đầu tằm. Nhan sắc tàn phai vì lu bu tối ngày. Con gà tốt mã vì lông. Thiệt là uổng công tô điểm má hồng răng đen. Ủa mà chỉ có ngoài Bắc mới nhuộm răng đen. Bà là con gái Nam ừ thì cũng uổng. Uổng cái gì cũng là uổng. Bà cũng tiếc thời con gái kẻ đón người đưa.Bây giờ đi sớm về trưa một mình. Gạo nấu thành cơm, ổng có còn màng chi đâu.

Thiệt người đời nói hổng sai mắt trai tai gái. Cũng tại cái tai bà, nghe lời quyến rủ ỉ ôi. Bây giờ ván đã đóng thuyền. Than thở với mấy đứa em, thì nghe tụi nó kể, ba la má: thôi đừng tiếc rẻ con gà quạ tha.Chuyện đã qua rồi. Bà Tư bây giờ như chim vào lồng như cá cắn câu.

 

Người ta nói chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng. Ỷ có bà con chung quanh ổng chẳng coi bà ra gì. Cũng vẫn đi ngang về tắt lăng nhăng mèo mả gà đồng. Thiệt là bà trông gà hoá cuốc. Bề ngoài ổng bảnh bao vậy mà viết chữ như gà bới, dốt đặc cán mai.  Làm cái gì cũng run sợ như gà phải cáo. Thiệt ớn chè đậu. Cuối cùng thì cô Thu Ba cũng về tới, còn dắt theo một thằng nhóc đen thui như lọ nồi, tóc quăn như lò xo. Hàng xóm bu quanh xầm xì mẹ gà con vịt. Bà Tư hết hồn, than trời vạ vịt chưa qua, vạ gà đã tới. Tội nghiệp con tôi hồng nhan bạc phận.

 

Cô Thu Ba thấy mọi người hiểu lầm, cô cười nói rằng: hổng phải con của con đâu má. Cô bảo rằng ông chủ của cô đang lâm vào cảnh gà trống nuôi con. Bà vợ của ông mãn phần vì tai nạn giao thông, để lại thằng con cho ổng nuôi. Tết này ổng lu bu nhiều chuyện phải đi xa. Ổng nhờ con giữ dùm ít bữa. Nhân tiện về thăm nhà con mang nó theo luôn. Ông Tư nãy giờ cũng đang sốt ruột muốn hỏi con gái về chuyện mua cái tivi, ông sợ gần tết người ta đóng cửa sớm. Khi biết cha mẹ muốn mua xe và tivi, cô đã cười nói chuyện nhỏ như con thỏ. Giết gà đâu phải cần dao mổ trâu. Con chỉ cần chịu làm má của thằng lọ nồi này, là con còn xây nổi cả nhà lầu cho ba má nữa đó. Nói rồi cô đăm chiêu, nhưng mà nếu con ưng ổng, ký giấy hôn thú là bút sa gà chết đó má, cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Cô lo vì khi lấy chồng, cô lại theo gót má cô. Cũng đi đến nơi xa tít mù khơi, bên kia bờ đại dương. Cô đi rồi, thằng em của cô sẽ tùng tam tụ ngũ kéo bạn kéo bè rần rần về nhà ăn nhậu. Cô biết thằng em cô nó chỉ nể nang cô, chứ có coi ông bà Tư ra gì. Cô là người nắm cái hầu bao của nó. Nếu không nghe lời cô sẽ cúp trợ cấp. Cô tên Thu Ba mà nó khoe với các bạn nó có bà chị tên Tài, tức là tài khoản đó mà. Cô Thu Ba lo rằng khi cô không còn ở đây, thằng em sẽ tự tung tự tác, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm.

 

Cô chưa kịp nói với mẹ những suy nghĩ của mình, thì thằng em gà mờ của cô cũng vừa về tới. Nó đã nghe hàng xóm xầm xì về thằng lọ nồi. Nó chạy lại ôm cô thì thầm:

 

Chị Hai bật mí cái bí mật bị mất (vì cô đã nói rồi) cho em nghe đi. Nhưng chị bao dung đừng có bung dao nhát em nhé. Chị xây mộng dưới hoa coi chừng bị hoạ dưới mông đấy, ba đánh cho tét đít. Cô Ba cười ha hả, em và má đừng lo hồng nhan bạc phận. Bây giờ người ta nói “hồng nhan bạc triệu” đấy. Tối lửa tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà tranh thôi em. Cô đã chán ở cái xứ, mà dân chóp bu toàn là thứ cõng rắn cắn gà nhà.  Bài hát “những nẻo đường Việt Nam, suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan” bây giờ nghe như có gì chua xót. Ải Nam Quan đã hầu như mất dấu.

 

Những con đường thơ mộng ngày xưa trên khắp nẻo quê hương, bây giờ có một cái tên chung là những con đường thi phú tức là thu phí. Thôi thì đành nghe người ta nói mẹ gà con vịt, còn hơn phải chứng kiến cảnh mất gà mới lo làm chuồng, của những kẻ đem voi về giầy mả tổ. Cô cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ tới lúc phải lìa xa nơi chôn nhau cắt rún. Xa xa tiếng pháo đang rền vang, nhà nhà đang chuẩn bị đón giao thừa. Cô hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến cho quê huơng, như lời sấm dậy:

 

Thân (2016) dậu ( 2017) niên lai kiến thái bình.

 

Chẳng biết đã qua bao lần thân dậu rồi, mà có thấy thái bình đâu.

Thôi thì hy vọng bớt lại: “gà gáy bình minh”. Trời sẽ bớt u ám.

 

Lại Thị Mơ