Shiroyama Saburo

Tiu thuyết gia hin đi Nht Bn

Phm Vũ Thnh

 

Shiroyama Saburo

 

 

Shiroyama Saburo (1927-2007) là người mở đầu thể loại tiểu thuyết kinh tế Nhật Bản thời hiện đại (business novels), thể loại văn học rất được ưa chuộng trong giới doanh nhân, tư chức, và gia đình của họ, cùng với giới sinh viên học sinh; sách bán chạy không kém loại truyện trinh thám, hình sự, tức là gấp đôi loại văn học thuần túy. Đến nỗi từ năm 1979, nhật báo kinh tế Nihon Keizai Shimbun đã lập hẳn Giải thưởng văn học dành cho loại tiểu thuyết kinh tế, và các nhà xuất bản văn học lớn nhất Nhật Bản như Shincho, Kadogawa, Kodansha, Shueisha, Bungei Shunju cũng hăng hái xuất bản loại tiểu thuyết này. Đặc biệt, tất cả các tác phẩm của Shiroyama Saburo đã lập được thành tích là những sách bán chạy nhất ở các nhà sách lớn như Trung tâm Sách Yaesu, Tokyo,...

Shiroyama Saburotên thật là Sugiura Ei-ichi, sinh năm 1927 ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, tình nguyện vào Hải quân năm 1945 thời sinh viên ở Đại học Kỹ thuật Nagoya, nhưng đang được huấn luyện thì chiến tranh chấm dứt. Năm sau, ông vào học Đại học Thương nghiệp Tokyo (bây giờ là Đại học Hitotsubashi), tốt nghiệp năm 1952, vì cha bị bệnh nên ông trở về quê nhà, vào làm trợ giảng ở Đại học Giáo dục Aichi, sau thăng giảng sư về môn kinh tế. Năm 1963, từ chức ở Đại học để chuyên chú vào việc sáng tác.

Tác phẩm "Yushutsu" (Du xuất) của ông được giải Tác gia Mới của tạp chí Bungakukai (Văn học giới). Qua năm sau, ông được Giải Naoki, giải thưởng Văn học cao quý nhất chung cho các thể loại văn học của Nhật Bản, với tác phẩm "Sokaiya Kinjo" (Kinjo, tay tống tiền các công ty). Tác phẩm "Rakujitsu moyu" (Mặt trời lặn cháy đỏ) do nhà Shincho xuất bản năm 1974, được giải Văn hoá Mainichi cùng năm, rồi giải Văn học Yoshikawa Eiji 1975, quay thành phim bộ ti-vi năm 1976. Tác phẩm "Mo kimi niwa tanomanai" (Thôi, không nhờ cậu nữa đâu) được giải Kikuchi Kan năm 1996. Ông được giải thưởng của nhật báo Asahi năm 2002 cho những cống hiến kiệt xuất của ông về khoa học xã hội.

Ông chết vì bệnh viêm phổi, vào tháng 3 năm 2007, thọ 79 tuổi.

Nhiều tác phẩm của ông tiểu thuyết hoá những nhân vật và sự kiện thực tế, pha trộn khéo léo nhiều chi tiết hư cấu hay giả định, như thêm da thêm thịt vào những cái sườn là người thật việc thật để tạo nên những hình tượng hấp dẫn người đọc. Bút pháp của ông đặc biệt thành công trong việc mô tả nhiều khía cạnh thiết thân của xã hội hiện đại, và ảnh hưởng đến nhiều tiểu thuyết gia hậu sinh, nhất là trong thể loại tiểu thuyết hiện thực, phi hư cấu (non-fiction). Mặt khác, ông thường bị các nhà bình luận phê phán là đã làm cho nhiều độc giả mỹ hoá các nhân vật đến mức có nguy cơ xa rời thực tế, qua những phần hình tượng hư cấu phản ánh cảm tình hay suy đoán chủ quan của ông, mà độc giả cứ tin là sự thật.

Ông chú trọng đến sự xung đột giữa tổ chức và cá nhân trong sinh hoạt kinh tế hiện đại. Cơ cấu của tổ chức hay tập thể càng vững mạnh thì cá nhân càng có được cảm giác an toàn khi là một thành viên, nhưng ngược lại, cá nhân càng bị hy sinh cho quyền lợi của tổ chức. Tác phẩm của ông luôn luôn đề cao những đức tính và cố gắng cá nhân như động lực chủ yếu thúc đẩy và hoàn thành những tiến bộ về kinh tế và xã hội Nhật Bản trong giai đoạn toàn dân cùng nỗ lực đóng góp vào chính sách xây dựng quốc gia bằng xuất khẩu hàng hoá công nghệ.

Ông không thích sự ồn ào, cho rằng một tiệm buôn có hàng tốt, rẻ thì không cần phải quảng cáo ầm ĩ vẫn có nhiều khách hàng, và ngược lại, tiệm buôn quảng cáo ồn ào thường là vì hàng hoá thiếu hấp dẫn, thiếu phẩm chất. Nhân vật chính diện điển hình của ông thường là những nhân viên ít nói mà cần cù, kiên nhẫn, có khả năng, nghị lực và tiết độ trong các công ty kỹ nghệ tiên phong trong phát triển của Nhật Bản, như công ty xe gắn máy, xe hơi Honda,...

"Yushutsu" (Du xuất, Export) là tập truyện gồm những tác phẩm đầu tiên của thể loại tiểu thuyết kinh tế Nhật Bản thời hiện đại, biểu lộ tình cảm ân hận của những tư chức phải hy sinh lạc thú của đời mình, làm việc đến mức gần như điên cuồng trong vai trò những tên lính tiên phong trong chiến lược khai phá những thị trường xuất khẩu của các công ty mậu dịch tổng hợp quốc tế. Họ là mẫu người bị giới truyền thông Tây phương gọi là "economic animals" (những con vật kinh tế), trong tác phẩm của Shiroyama Saburo, được mô tả với những khía cạnh rất "người".

Thành công của tập truyện này đưa đến các tác phẩm sau như "Mahiru no one man office" (Văn phòng một người giữa trưa đứng bóng), "Mainichi wa nichiyobi" (Mỗi ngày là Chủ nhật) khai thác cùng một mô-típ là sự đối kháng giữa cảnh ngộ và tâm tình trong cuộc đời của nhân viên các hãng mậu dịch tổng hợp quốc tế.

"Sokaiya Kinjo" (Kinjo, tay tống tiền các công ty, Kinjo the Corporate Extortionist) viết về một sokaiya, người chuyên nghề tống tiền các công ty bằng cách hăm doạ dùng quyền cổ-đông để phá rối các đại hội vận doanh thường niên của công ty. Có đến 70% các công ty lớn đã bị hăm doạ như thế và nhiều công ty đã phải trả những món tiền lớn để bịt miệng đám người này, một cách phi pháp, nếu chuyện vỡ lở có thể bị bãi chức hay truy tố. Đến nỗi 90% các công ty có tên trên thị trường chứng khoán Tokyo phải dàn xếp để tổ chức đại hội vận doanh thường niên cùng ngày cùng giờ để tránh bớt bị đám sokaiya này phá rối.

"Rakujitsu moyu" (Mặt trời lặn cháy đỏ) là tiểu thuyết dựa trên cuộc đời của nguyên Thủ tướng Hirota Koki, người bị quân đội chiếm đóng Mỹ quy vào loại tội phạm chiến tranh cấp A nặng nhất, ra Toà án Chiến tranh Tokyo, đã tạo hai luồng dư luận tranh chống nhau kịch liệt, cuối cùng đã là nhân vật dân sự Nhật Bản duy nhất bị xử tử vì tội ác chiến tranh trong Thế chiến thứ hai.

"Kanryo tachi no natsu" (Mùa hè của các quan lớn) là truyện dài về các công chức cao cấp trong Bộ Công nghiệp và Ngoại thương Nhật Bản (MITI - Ministry of International Trade and Industry). Nhân vật chính lấy mẫu từ Sahashi Shigeru (1913-1993) đã làm đến chức Thứ trưởng trong Bộ này, vào thời kỳ kinh tế Nhật Bản tăng tiến vượt bậc, một phần nhờ vào hệ thống chỉ đạo hành chính từ chính phủ đến các tổ hợp công ty lớn. Có thời đã là biểu tượng của Bộ, được gọi là "Mister MITI", ông là người giỏi sắp đặt nhân sự, tính khí cương trực và mạo hiểm. Ông đã động viên toàn Bộ tận lực chuẩn bị và trình phương án dùng chỉ đạo hành chính để chấn hưng các kỹ nghệ quan trọng, nhưng gặp phải sự chống đối mãnh liệt từ các công ty, nhất là kỹ nghệ xe hơi, cuối cùng đã không thành luật được. Tuy nhiên, tinh thần của phương án đó về sau đã được thể hiện trong các chính sách hiệp lực mật thiết giữa chính phủ và doanh nhân, làm cơ sở cho chính sách kinh tế thành công của Nhật Bản.

"Nottori" (Tiếp quản cướp đoạt, "The Takeover") thuật chuyện nhân vật chính Aoi Fumimaro dùng mưu lược tài chính để tiếp quản cưỡng chiếm cửa hàng bách hoá Akashiya ở một khu vực sang trọng trong đô thành Tokyo, từ chủ nhân là một gia đình có truyền thống lâu đời nhưng bị thiếu vốn kinh doanh; dựa trên sự kiện thực tế là vụ doanh gia Yokoi Hideki thu mua cổ phần định tiếp quản cửa hàng bách hoá Shiroki-ya ở Nihonbashi, mở đầu cuộc tranh chấp kéo dài từ năm 1949 đến 1955.

"Ogon no hibi" (Những ngày hoàng kim) là chuyện đời hào khoái của Naya Sukezaemon còn có tên là Luzon Sukezaemon (1565-?), nhà buôn từ vùng đất nổi tiếng về thương nghiệp là cảng Sakai, Osaka, đã sang tận đảo Luzon của Phi Luật Tân lập nghiệp thành công, cống hiến những thứ quý hiếm như sáp ong, hương liệu, đồ gốm,... cho Toyotomi Hideyoshi thời bấy giờ là người quyền uy trùm thiên hạ, được Hideyoshi bảo trợ nên sự nghiệp phát triển cả trên đất Nhật Bản. Tiểu thuyết này đã được quay thành phim-bộ Taiga Drama (Đại Hà Drama - phim kịch tràng giang, cần nhiều tiền quay và giờ chiếu) trình chiếu trên đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK năm 1978. Đây là lần đầu tiên phim-bộ Taiga Drama của NHK có nhân vật chính không phải thuộc giới võ sĩ, mà là một thương gia, nhìn lịch sử từ quan điểm thứ dân và kinh tế, nên được khán giả ưa thích đặc biệt, mặc dù phần lớn là dựa trên hư cấu tiểu thuyết của Shiroyama Saburo hơn là sự thực lịch sử từ một nhân vật đã lưu lại nhiều truyền thuyết hơn là di tích cụ thể hay sử liệu.

"Kakaku hakai" (Phá giá, Price smashing) lấy mẫu từ Nakauchi Isao (1922-2005), giám đốc sáng lập công ty Daiei, dùng sách lược mua gom sản phẩm và tiết giảm kinh phí để bán hàng với số lượng lớn và giá rẻ hơn giá thông thường từ trước đến nay. Tiểu thuyết này đã được quay thành phim-bộ đài Truyền hình Quốc gia Nhật Bản NHK năm 1981. Thuật ngữ "Kakaku hakai" (Phá giá) được cho là đã khởi đầu từ tên cuốn tiểu thuyết của Shiroyama Saburo.

"Yusha wa katarazu" (Người hùng thì không kể lể lắm lời) viết về kỹ nghệ chế tạo xe hơi, lấy mẫu từ Honda So-ichiro (Giám đốc kỹ thuật sáng lập công ty Honda) và các nhân viên then chốt đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ xe hơi Nhật Bản, từ số lượng sản xuất năm 1960 khoảng 160 ngàn xe (xuất khẩu qua Mỹ 2400 chiếc), đã vượt lên mức 7 triệu 330 ngàn xe (xuất khẩu qua Mỹ 1 triệu 900 ngàn) mỗi năm từ 1980; và phẩm chất được đánh giá cao hơn cả xe sản xuất từ các công ty lớn có truyền thống lâu đời của Mỹ. Hai nhân vật chính là bạn đồng ngũ cùng chiến đấu chung trong Thế chiến thứ hai, một người trở thành Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc của công ty chế tạo xe hơi, người kia trở thành Tổng Giám đốc của công ty phụ thuộc, cung cấp linh kiện xe hơi, cả hai là "người hùng" đóng góp vào cuộc cách mạng chế tạo xe hơi của Nhật Bản từ những đổ nát ngay sau chiến tranh, rồi tiến xuất qua Mỹ, chịu nhiều bài xích thậm chí thoá mạ từ dân địa phương mà vẫn âm thầm phụng sự, bất chấp những khổ nạn, bi kịch gia đình của chính họ. Đã quay thành phim bộ trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia NHK năm 1983, diễn viên chính là tài tử nổi tiếng Mifune Toshiro (trong phim Rashomon - La Sinh Môn, Shichinin no samurai - Bảy Người Hiệp Sĩ,...).

.........

Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Anh, như "War Criminal - The Life and Death of Hirota Koki" (John Bester dịch "Rakujitsu moyu", Mặt trời lặn cháy đỏ, 1977), "The Takeover" (Keiko Ushiro dịch "Nottori", Tiếp quản cướp đoạt, 1991).

Shiroyama Saburo là điển hình của người Nhật Bản sinh vào những năm cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, trưởng thành từ đổ nát hoang tàn sau Thế chiến, tham gia vào đà tiến như bão táp của kinh tế Nhật Bản trên đường phục hồi và phát triển thành cường quốc kinh tế. Tác phẩm của ông là những tư liệu đáng tham khảo trong việc tìm hiểu nghiên cứu về bí quyết thành công của kinh tế Nhật Bản hiện đại, mà yếu tố con người được ông đặc biệt chú trọng.

Phạm Vũ Thịnh 
Sydney 08-2008

 

Tham khảo :

[1] Shiroyama Saburo - Wikipedia : bản tiếng Nhật

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%9F%8E%E5%B1%B1%E4%B8%89%E9%83%8E 

[2] Sahashi Shigeru - Wikipedia : bản tiếng Nhật

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%BD%90%E6%A9%8B%E6%BB%8B 

[3] Tamae Prindle : "Romance in Money: The Phenomenon of Japanese Business Novels",

http://www.jstor.org/pss/489260 .

[4] Geraldine Sherman : "Visiting Japan is one thing, but explaining it - now that's tricky", Book review, http://www.geraldinesherman.com/Outnation.html

[5] Henry Laurence : "The Big Bang and the Sokaiya",

http://www.jpri.org/publications/critiques/critique_VI_8.html